Từ câu trả lời “chipâu”
Nhiều năm liền phụ trách thôn Lũng Giềng, thôn có đến 40% dân tộc Mông sinh sống, đồng chí Hoàng Văn Dềnh, dân tộc Tày, Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Lập (Lâm Bình) dù không được đào tạo qua lớp học tiếng Mông nhưng đến nay đã thành thạo tiếng Mông. Anh bảo, học tiếng Mông khó học hơn các tiếng dân tộc khác, bởi cùng một từ, phát âm không chuẩn thì người Mông sẽ hiểu sang nghĩa khác ngay, nên khó nhất là cách phát âm. Anh Dềnh tìm cách tiếp cận, giao tiếp thật nhiều với người Mông như đi chơi, lao động cùng, uống rượu, ăn cơm cùng, thậm chí học cả trong các đám cưới, lễ tang của người Mông. Anh để ý cách người Mông uốn lưỡi, phát âm đi liền với cử chỉ, biểu cảm trên khuôn mặt, ánh mắt của người Mông để học tiếng Mông rồi bắt chước đánh vần từng từ. Dần dần vốn tiếng Mông của anh cũng khá lên, anh hiểu được cả ý của người Mông khi dùng “tiếng lóng”.
Anh Nguyễn Văn Mão, kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng bằng tiếng Mông cho người dân trên địa bàn xã Xuân Lập (Lâm Bình).
Cũng giống như anh Dềnh, kiểm lâm viên Nguyễn Văn Mão, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình cũng chăm chỉ học tiếng Mông để làm công tác dân vận người Mông ở Xuân Lập giữ rừng. Được phân công phụ trách Xuân Lập, anh Mão đã bám thôn, bám hộ để học tiếng Mông. Anh Mão kể, ngày đầu mới lên Xuân Lập, đi tuần rừng mấy ngày, hết nước, hết cơm nắm, gặp người Mông ở lán trên rừng, anh liền vào xin nước nhưng không biết nói tiếng Mông nên người Mông không hiểu tiếng Tày chỉ đáp lại anh bằng hai từ “chipâu”. Bài học sâu sắc đó đã thôi thúc anh quyết tâm học bằng được tiếng Mông. Anh nghĩ, nếu không biết nói tiếng Mông thì không thể nắm bắt được thông tin gì từ người Mông, vậy thì công tác bảo vệ rừng sẽ gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại. Anh Mão đã làm quen, chơi thân với một vài người Mông để rồi nhờ bà con dạy cho mình tiếng Mông giao tiếp cơ bản. Biết được chút ít tiếng Mông, anh ghi chép lại rồi vào các buổi tối, anh tranh thủ phát âm lại, ghi nhớ từ mới được học. Những chuyến tuần rừng cùng người Mông, anh cũng tranh thủ “học lỏm”. Giờ đây, anh Mão có thể nghe được, nói được tiếng Mông một cách tự tin. Anh bảo: Nếu không nói được tiếng Mông thì nhiều khi cán bộ dân vận sẽ thất bại vì người Mông chỉ bảo “chi pâu”. Nhưng biết nói tiếng Mông, người Mông sẽ cởi mở, mời vào nhà và nói “Hàu - đè - ing - chì - thư” (Uống chén nước đã).
Dân vận khéo bằng tiếng Mông
Những cán bộ ở cơ sở không phải là người Mông nhưng biết nói tiếng Mông đã trở thành “cây” tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Mông. Trong nhiều trường hợp, họ còn là “phiên dịch viên” để giúp cấp ủy cấp trên tuyên truyền nghị quyết của Đảng.
Đồng chí Chẩu Thị Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long (Na Hang) chia sẻ, chị là người Dao nhưng trước yêu cầu dân vận trong vùng đồng bào Mông nên từ khi làm Chủ tịch Hội LHPN xã, rồi được cử đi đào tạo 3 tháng về tiếng Mông, chị Viện đã kiên trì học tập rồi thành thạo tiếng Mông để vận động người Mông tham gia các phong trào thi đua. Hiện nay chị Viện được phân công phụ trách thôn Phiêng Ten, thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống. Chị Viện đã dùng vốn tiếng Mông của mình để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Mông. Từ đó vận động người dân Mông ở các thôn đoàn kết, đồng thuận tháo gỡ khó khăn trong kiên cố hóa kênh mương nội đồng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, chăm sóc gia súc không bị dịch bệnh. Đặc biệt từ năm 2021, chị đã vận động, hướng dẫn 34 lượt hộ đồng bào Mông triển khai chương trình vay bò trả bê của Hội Nông dân tỉnh và chương trình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Anh Vũ Văn Nam, công chức Tư pháp - hộ tịch xã Yên Lâm (Hàm Yên) tuyên truyền bằng tiếng Mông về chính sách pháp luật cho người Mông thôn Ngòi Sen.
Nhiều năm trở lại đây, ở xã Yên Lâm (Hàm Yên), tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền của công chức Tư pháp - hộ tịch Vũ Văn Nam. Anh Nam là người Kinh nhưng sinh ra và lớn lên tại Ngòi Sen. Từ nhỏ, anh Nam đã được học tiếng Mông do sống gần người Mông, nhưng kể từ khi đi công tác, làm Trưởng Công an xã rồi trải qua nhiều cương vị khác nhau, nay là công chức Tư pháp - hộ tịch, anh Nam càng hiểu tính cấp thiết cần phải thành thạo tiếng Mông để làm tốt công tác dân vận trong đồng bào Mông. Anh Nam phụ trách nhiều thôn có đồng bào Mông như Thài Khao, Tháng Mười…
Do thành thạo tiếng Mông nên anh trực tiếp giúp đỡ nhiều người Mông cao tuổi không biết mặt chữ thực hiện các thủ tục hành chính, cài đặt định danh cá nhân điện tử. Đặc biệt, trong các cuộc họp thôn, ở những nơi có đồng bào Mông sinh sống, anh Nam còn là “phiên dịch viên” để cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh tuyên truyền chính sách, pháp luật đến người Mông. Nhiều năm qua, bên cạnh tuyên truyền, cấp phát tờ rơi liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, anh còn dành một lượng thời gian để nói bằng tiếng Mông khi tuyên truyền cho bà con trong các cuộc họp thôn. Nhờ đó, dù là người Kinh nhưng đến các thôn có đồng bào Mông, anh Nam đều được người Mông quý mến, nói chuyện cởi mở, không phân biệt người Kinh hay người Mông. Ông Lý Văn Sủng, người Mông thôn Ngòi Sen nói: “Anh Nam nói tiếng Mông thành thạo nên tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước cho người Mông chúng tôi dễ hiểu lắm”. Anh Nam cho biết, muốn thành thạo tiếng Mông thì cán bộ phải rất gần gũi với đời sống người Mông, có hứng thú và kiên trì học. Khi nghe và nói thành thạo, anh Nam lại muốn dùng chính tiếng Mông để giúp đỡ người Mông nhiều hơn.
Trên thực tế, không ít cán bộ công tác trong vùng đồng bào Mông gặp khó khăn trong công tác dân vận do không biết nói và nghe hiểu được tiếng Mông. Vượt qua khó khăn và gần gũi với Nhân dân, nhiều cán bộ ở cơ sở đã nói thành thạo tiếng Mông để vận động người Mông tin và đi theo đường lối của Đảng. Những tấm gương ấy cần được nhân rộng để làm tốt hơn nữa công tác dân vận trong vùng đồng bào Mông.
Gửi phản hồi
In bài viết